Những đảng viên trao truyền giá trị di sản văn hóa (Bài 2): Cặp đôi đảng viên - nghệ nhân song hành truyền dạy Đờn ca tài tử

VHO-Đều đặn vào các tối thứ hai và thứ tư hằng tuần, tại Cung Văn hóa lao động TP.HCM có hai lớp truyền dạy Đờn ca tài tử - cải lương (sơ cấp và nâng cao) dành cho những người yêu thích âm nhạc dân tộc, do hai nghệ nhân, đồng thời là đảng viên - nhà giáo đứng ra phụ trách. Đó là cặp vợ chồng nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng và nhà giáo Kim Loan.

Những đảng viên trao truyền giá trị di sản văn hóa (Bài 2): Cặp đôi đảng viên - nghệ nhân song hành truyền dạy Đờn ca tài tử - Anh 1
 

 Nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng và nhà giáo Kim Loan là những người sáng lập CLB Tài tử - cải lương tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM

Không chỉ tham gia lớp truyền dạy, suốt gần 4 thập kỷ qua, hai nghệ nhân - nhà giáo đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho hàng ngàn lượt học viên, nghệ nhân, nghệ sĩ tài tử - cải lương, góp phần giữ gìn và phát huy bộ môn âm nhạc độc đáo đã được UNESCO ghi danh.

Toàn tâm cho âm nhạc dân tộc

Nhắc đến nhạc lễ - tài tử - cải lương, nhiều người trong giới nghệ nhân TP.HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam đều biết đến nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng. Sinh ra trong gia đình có truyền thống 4 đời chơi nhạc lễ ở huyện Cần Đước, Long An, ông có được nền tảng kiến thức và thực hành âm nhạc dày dạn. Từ khi còn là một cậu bé, Phan Nhứt Dũng đã tập tành ngón đờn nhạc lễ do cha, chú và dượng chỉ dạy, dòng máu nghệ thuật đã thấm sâu trong tâm hồn ông và mong muốn tiếp nối truyền thống của gia đình cứ lớn dần theo thời gian. Năm 14 tuổi (1977), ông chính thức bắt đầu thực hành nhạc lễ. Để tiến sâu vào môi trường chuyên nghiệp và mong muốn được tiếp thu kiến thức một cách bài bản hơn, ông thi vào ngành Nhạc cụ dân tộc của Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), và cũng chính từ mái trường này, Phan Nhứt Dũng đã gặp và gắn bó với cô giáo dạy ca Kim Loan. Cùng tình yêu với âm nhạc dân tộc và công tác đào tạo, hai người không chỉ là đôi bạn đời mà còn gắn bó cả trên giảng đường và đặc biệt là những lớp truyền dạy Đờn ca tài tử khắp nơi. Hai nghệ nhân - nhà giáo, một đờn một ca hòa điệu đã song hành gần hết quãng đời để mang những ngón đờn điêu luyện, lời ca ngọt ngào đến với biết bao thế hệ.

Hiện nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng là Trưởng Ban nhạc lễ quận Gò Vấp, đồng thời là Chủ nhiệm CLB tài tử - cải lương của Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, còn Nhà giáo - nghệ nhân Kim Loan nguyên là Trưởng Bộ môn Ca - Khoa Kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nay đảm nhiệm chức Phó chủ nhiệm phụ trách chuyên môn cho CLB.

Nếu nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng trưởng thành từ cái nôi nghệ thuật thì nhà giáo Kim Loan lại là người duy nhất trong gia đình theo nghiệp cầm ca. Cô học Khoa Cải lương - Nhạc Trường Nghệ thuật Sân khấu II (1978-1979). Sau khi tốt nghiệp, cô theo trợ giảng cho đoàn Nghệ thuật Hoa Phượng Đỏ (TP.HCM) một năm, rồi trở về Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM giảng dạy từ năm 1985 cho đến nay. Có thể nói, hầu hết các giọng ca đang được khán giả ái mộ như Lê Tứ, Hà Như, Thy Trang, Thy Phương, Hải Long, Đào Thị Hồng Thắm, Lê Hồng Thắm, Trung Thảo, Vũ Tình và nhiều đào kép trẻ ở các đoàn nghệ thuật đều là học trò của cô. Mấy năm gần đây, cùng với nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng, nhà giáo Kim Loan còn tham gia dạy ca trên kênh sóng của Đài PTTH Bình Dương.

Là vợ chồng, đồng thời là đôi bạn diễn ăn ý, nên cứ hễ cô Kim Loan dạy hát thì thầy Nhứt Dũng dạy ca. Điểm đặc biệt là cô luôn thị phạm cả giọng nam và giọng nữ, nên học trò rất dễ học. “Trước mỗi lần dạy đờn - ca, thầy Nhứt Dũng sẽ dành ra 30-60 phút đầu để giảng về lý thuyết, trao đổi với học viên để họ hiểu tường tận Đờn ca tài tử…”, cô Kim Loan cho biết thêm.

Trong những sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học của nhà giáo Kim Loan đã có đề tài được ứng dụng vào công tác giảng dạy, điển hình như đưa chương trình dạy ca “Tài tử - cải lương” lên sóng của Đài PTTH Bình Dương và nhiều vùng sâu, vùng xa trên cả nước; Đưa âm nhạc tài tử- cải lương vào giảng dạy vàbiểu diễn phục vụtrong các khu chếxuất cho công nhân viên chức; Ngũ cung Việt Nam và thất cung trong âm nhạc tài tử - cải lương Nam Bộ; Giọng, điệu và xướng âm trong âm nhạc tài tử - cải lương Nam Bộ; Những phong cách ca Cải lương độc đáo, ứng dụng trong nghệ thuật Sân khấu cải lương… Còn nhạc sĩ Nhứt Dũng cũng đã tham gia biên soạn rất nhiều tài liệu về Đờn ca tài tử, như “Thang âm điệu thức nhạc tài tử - cải lương Nam Bộ”; “Nhạc Lễ và Đờn ca tài tử - Di sản đặc sắc trong âm nhạc cổ truyền Nam Bộ”…

Những đảng viên trao truyền giá trị di sản văn hóa (Bài 2): Cặp đôi đảng viên - nghệ nhân song hành truyền dạy Đờn ca tài tử - Anh 2

 Hai đảng viên - nhà giáo song hành dạy đờn ca cho các học viên Trường ĐH Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội

“Tôi đã ứng dụng vào nghệ thuật rất hiệu quả!”

Nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng chia sẻ, ý thức được mình là đảng viên, thấm nhuần tư tưởng của Đảng và Bác Hồ trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời là một nhà giáo được sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, lại lớn lên từ chiếc nôi nghệ thuật chuyên nghiệp, nên hơn ai hết, ông luôn tự biết mình cần có trách nhiệm trao truyền, định hướng các giá trị di sản văn hóa đến với quần chúng, nhất là thế hệ trẻ. “Năm 1994, khi đang là nhạc công đánh trống, công tác ở Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tôi biết rằng từ đây mình càng phải hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của một nhà giáo, nghệ nhân, nhạc sĩ, mà quan trọng hơn phải là một đảng viên gương mẫu”, ông Dũng bày tỏ.

Sau nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng một năm, đến năm 1995, nhà giáo - nghệ nhân Kim Loan cũng vinh dự được kết nạp Đảng, lúc ấy cô Kim Loan còn là Bí thư Đoàn. Và từ đây, hai vợ chồng - hai người đồng chí càng như được tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết để cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc đến thế hệ mai sau.

Nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng tâm sự: “Trong một chuyến lưu diễn, sau khi mình được kết nạp Đảng không lâu, lúc đó soạn giả Lê Duy Hạnh có hỏi: Nghe nói trong đoàn có người mới kết nạp Đảng phải không? Khi ấy, văn nghệ sĩ mà được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì người trong giới tự hào lắm. Nghe ông hỏi vậy, tôi vừa vui mừng, cảm động, vừa thấy mình cần phải cố gắng và có trách nhiệm nhiều hơn nữa. Từ đây, tôi nhận thức được rằng không chỉ học kiến thức, dạy chuyên môn mà phải luôn tu dưỡng, rèn giũa để xứng đáng với sự tin tưởng của các đồng chí, đồng nghiệp, học trò. Và cũng nhờ học chính trị, được Đảng bồi dưỡng, tôi đã ứng dụng vào nghệ thuật rất hiệu quả”.

Cặp đôi đảng viên - nhà giáo cũng cho biết, sắp tới khi cả hai nghỉ hưu họ sẽ tập trung nhiều hơn vào công tác truyền dạy cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật độc đáo này. “Chúng tôi dạy theo chương trình, có giáo trình giáo án và phương pháp sư phạm nghiêm túc, chứ truyền nghề mà nói miệng thôi thì cũng chưa đủ, người học sẽ không nắm được nền tảng lý thuyết và sẽ không hiểu hết giá trị của loại hình nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh”, nhạc sĩ Nhứt Dũng bày tỏ.

Có dịp thưởng thức những ngón đàn điêu luyện của nhạc sĩ Nhứt Dũng và giọng ca mượt mà của nhà giáo Kim Loan mới thấy được rằng họ đã phát huy trọn vẹn vai trò của người đảng viên trong việc gìn giữ, trao truyền, làm cho Đờn ca tài tử có thêm sức sống mãnh liệt tại vùng đất phương Nam nói riêng và khắp trên dải đất Việt thân yêu nói chung.

Bài 3: Những người “tiếp lửa” cho Nhã nhạc cung đình Huế và hát Xoan

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc